Một trong những biện pháp để đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình chính là làm gương, nêu gương trong mọi lúc, mọi nơi cho cấp dưới và cho quần chúng nhân dân. Có thể khẳng định, thực hiện tốt biện pháp này sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, đồng thời thực hiện có hiệu quả việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Nêu gương (hay làm gương) là làm mẫu; là tạo ra một mẫu mực cho người khác học và làm theo. Làm gương và noi gương là một quá trình hình thành các tập quán, tập tính, hay nói cách khác, là cách mà con người xã hội hóa nhân cách cá nhân. Nói một cách nôm na, đơn giản, các hành động noi gương hay làm theo gương của người khác là “bắt chước”, học tập, thực hành...Vì vậy nêu gương và noi gương, trước hết là một phạm trù của giáo dục, của lãnh đạo.
Ngày 7-6-2012 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Trong đó quy định: Mỗi cán bộ, đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nội dung nêu gương cụ thể như sau:
1. Về tư tưởng chính trị
- Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Ðảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
- Gương mẫu trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Ðảng, Nhà nước và của nhân dân.
2. Về đạo đức, lối sống, tác phong
- Thực hiện nghiêm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc thực hiện Quy định này.
- Ði đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và quyết tâm sửa chữa, khắc phục.
- Nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú.
- Kiên quyết không nhận quà biếu với động cơ vụ lợi dưới mọi hình thức; không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi.
3. Về tự phê bình, phê bình
- Người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo.
- Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa.
- Có tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu.
4. Về quan hệ với nhân dân
- Nêu cao ý thức phục vụ nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, tập trung sức giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, chủ động đối thoại với nhân dân và cán bộ dưới quyền.
- Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
- Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân.
5.Về trách nhiệm trong công tác
- Nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động, sản xuất, công tác.
- Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm.
- Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác.
- Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm".
6. Về ý thức tổ chức kỷ luật
- Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật trong tổ chức, cơ quan, đơn vị.
- Gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức; đi đầu thực hiện nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, các nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị.
7. Về đoàn kết nội bộ
- Hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng trong cơ quan, đơn vị, địa phương; công tâm với cán bộ dưới quyền; hợp tác với đồng chí, đồng nghiệp để không ngừng tiến bộ.
- Chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và trong cuộc sống; bảo vệ uy tín, danh dự chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp; không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác.
- Tích cực tham gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội nơi công tác; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ và trong nhân dân.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nêu gương được thể hiện rất rõ trong các bài nói, bài viết của mình, rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ “nêu gương”, “làm gương”. Điều đó cho thấy, Người rất coi trọng việc “nêu gương”, “làm gương” của mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng và mọi cá nhân trong xã hội. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu gương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Việt Nam hiện nay.
Về nội dung nêu gương, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc. (1) Đối với mình, không được tự cao tự đại, tự mãn, mà phải cần, kiệm, liêm, chính; phải là “Nhân, Trí, Dũng, Liêm”; bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên học tập, rèn luyện, tự phê bình, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân về mọi mặt để tiến bộ. (2) Ðối với người, phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Đối với người, trước hết và quan trọng nhất là đối với đồng chí, đồng sự, nhất là đối với cấp dưới và sau đó là đối với quần chúng nhân dân. Đối với cấp dưới, thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn trong sinh hoạt, khi đau ốm... Đối với quần chúng, phải gắn bó với quần chúng, lấy quyền, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng làm điểm xuất phát để xây dựng các chủ trương, chính sách. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta. (3) Đối với việc, phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, phải “chí công vô tư”, phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương đạo đức. Người nhấn mạnh: Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để nêu gương thì trước hết bản thân phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên; về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cách thức nêu gương theo Người là: “Cán bộ, đảng viên phải làm gương mẫu cho nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương trước quần chúng. Người quan niệm: Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền; trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến; quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức; muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước; đảng viên đi trước, làng nước theo sau…
Việc nêu gương không chỉ tự thân cán bộ, đảng viên, mà còn trong quan hệ đối với người thân, gia đình, đối với công việc, tập trung vào các vấn đề về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, chấp hành kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân...
Một điều rất đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra những tư tưởng, quan điểm rất đúng đắn về nêu gương mà chính Người còn là hiện thân cao đẹp nhất về trách nhiệm nêu gương trước Đảng, trước Nhân dân. Phong cách nêu gương trong tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện xuyên suốt trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, phấn đấu hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và vì Nhân dân của Người. Người không chỉ tiếp thu, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận về phương pháp, mà Người đã thực hành phong cách nêu gương một cách nhuần nhuyễn, hết sức mẫu mực và tự nhiên. Người kiên trì nêu gương về đạo đức còn nhiều hơn những điều Người nói và viết ra. Chính bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về phong cách nêu gương, một hình ảnh mẫu mực về “người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trong thời gian qua, nhìn chung việc nêu gương của đảng viên, viên chức tại Trung tâm, mà trước hết là Thủ trưởng đơn vị đã có những chuyển biến tích cực. Tập thể đảng viên, viên chức đã từng bước đi vào nền nếp; viên chức, NLĐ Trung tâm không ngừng phấn đấu, rèn luyện học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Bác, nhất là tính nêu gương. Thủ trưởng đơn vị và từng đảng viên, viên chức, người lao động luôn gương mẫu về tương tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, mối quan hệ với nhân dân, trách nhiệm trong công tác, ý thức kỷ luật, đoàn kết nội bộ…. nhờ vậy, góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi đảng viên, quần chúng tùy vào vị trí công việc luôn nêu cao tinh thần chủ động, tích cực trong công việc, luôn làm việc vì lợi ích của cộng đồng.... Tuy nhiên, đôi lúc, đôi nơi tính nêu gương chưa được phát huy mạnh mẽ, chưa thực sự đi đầu, mẫu mực. Vì vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Bác về tính nêu gương luôn là việc làm cần thiết, thường xuyên đối với đảng viên, viên chức, người lao động tại Trung tâm, mà trước hết là Thủ trưởng đơn vị, để mỗi đảng viên, viên chức không ngừng hoàn thiện bản thân, góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị tại đơn vị.
Nhằm không ngừng phát huy tính nêu gương trong đảng viên, viên chức, người lao động tại Trung tâm, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, không ngừng nâng cao nhận thức của mỗi đảng viên, viên chức, người lao động tại Trung tâm về vấn đề “nêu gương”. Thường xuyên quán triệt về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu về trách nhiệm nêu gương đảng viên, viên chức, người lao động mà trước hết là Thủ trưởng, Lãnh đạo đơn vị, người đứng đầu các phòng, các đoàn thể, đảng viên Chi bộ Trung tâm.
Hai là, việc nêu gương phải thể hiện toàn diện trên các mặt như: Lập trường chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, thực thi nhiệm vụ chuyên môn; đặc biệt chú trọng đến việc nêu gương về đạo đức. Mỗi đảng viên thực hiện đăng ký cụ thể theo từng nội dung nêu gương tại Quy định số 101-QĐ/TW và lấy đó làm tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm.
Ba là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của Trung tâm; tinh thần trách nhiệm của viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ.
Bốn là, chú trọng việc biểu dương những gương người tốt việc tốt và thẳng thắng góp ý, phê bình, ... những trường hợp đảng viên, viên chức, người lao động có biểu hiện chưa gương mẫu.
Năm là, có cơ chế để kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu cơ quan, phòng, bộ phận; đưa việc thực hiện trách nhiệm nêu gương vào việc bình xét, đánh giá đảng viên, viên chức, người lao động hàng năm cũng như việc xem xét quy hoạch, bổ nhiệm.
Tóm lại, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nêu gương chính là “kim chỉ nam”, là những chỉ dẫn rất cần thiết và quý báu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung và đội ngũ viên chức, người lao động ở Trung tâm Coongt tác xã hội nói riêng. Mỗi đảng viên, viên chức, người lao động cần thấm nhuần tư tưởng “nêu gương”, nghiêm túc thực hiện những quy định của Đảng về “nêu gương” để không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống để xứng đáng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân” đúng như lời căn dặn của Bác./.
Bài viết: Văn Châu
Tin mới
- Kết nối trợ giúp cho 18 trường hợp gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn - 01/11/2023
- Tập huấn hướng dẫn thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với các trường hợp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em đợt 1 - 23/10/2023
- Tiếp đoàn Tầm nhìn thế giới Mỹ, Quản lý dự án ACE đến thăm và làm việc tại Trung tâm Công tác xã hội - 23/10/2023
- Công khai điều chỉnh giảm dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2023 - 12/10/2023
- Kế hoạch về công tác cải cách hành chính năm 2023 của Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng - 09/10/2023
Các tin khác
- Giải pháp tăng cường sự tuân thủ các nguyên tắc và yêu cầu về phẩm chất đạo đức nghề công tác xã hội đối với viên chức, người lao động tại Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng - 03/10/2023
- Rộn ràng “Đêm hội trăng rằm” tại Trung tâm Công tác xã hội TP Đà Nẵng - 30/09/2023
- Đoàn công tác HOLT - Việt Nam đến thăm và làm việc tại thành phố Đà Nẵng - 28/09/2023
- Tập huấn kỹ năng hỗ trợ tư vấn tâm lý học sinh trong trường học cho giáo viên các trường THCS và THPT - 26/09/2023
- Tập huấn chuyên sâu về kỹ năng hỗ trợ trẻ là nạn nhân của lao động trẻ em dựa trên hiểu biết về rối loạn căng thẳng sau sang chấn đợt 2 - 15/09/2023