Một bình luận miệt thị, đả kích trên mạng xã hội có thể đùa nhưng áp lực dẫn đến cái chết là có thật. Không ít những sự việc bị đẩy đi quá xa trên thế giới ảo và hậu quả đổi lại là những mạng người.
Mạng xã hội ngày càng phát triển, một thông tin về đời tư, cá nhân của một người có thể lan truyền nhanh đến mức chóng mặt. Rồi nhiều nhóm trên mạng xã hội lập ra chỉ để xoi mói, thậm chí đả kích và lăng mạ người khác. Những tính năng như livestream (phát trực tiếp) nở rộ dễ dàng khiến nhiều người vì một phút sai lầm nhất thời cũng nhanh chóng trở thành tâm điểm để những “anh hùng bàn phím” thừa tay “thay trời hành đạo” và sẵn sàng đưa ra những lời chửi bới, miệt thị… Nhiều nạn nhân vì không vượt qua được sự đả kích, đã tìm đến cái chết để giải thoát hoặc suốt đời sống trong mặc cảm, tự ti.
ĐỚN ĐAU NHỮNG CÁI CHẾT THƯƠNG TÂM
Mọi người vẫn chưa khỏi ám ảnh về cái chết của nữ sinh lớp 11 ở Nghệ An vào tháng 3.-2018. Sau khi clip ghi lại cảnh em cùng bạn trai hôn nhau được lan truyền khắp mạng xã hội, không vượt qua được những lời bình luận mang tính chất nhạy cảm, chế giễu và chỉ trích từ cộng đồng mạng, em đã tự kết liễu đời mình ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời.
Càng ám ảnh hơn, gia đình một cô gái trẻ ở Củ Chi (tp HCM) đã đau xót phát hiện con gái chết trong tư thế treo cổ tự tử và màn hình máy tính vẫn còn sáng hình của nữ ca sĩ, trên bàn vẫn còn những bức hình mà cô gái tự vẽ về nữ ca sĩ này.
Chúng tôi tìm đến nhà cô gái vào ngày 22-10, sau khi đám tang cô vừa xong. Căn nhà của gia đình cô đóng kín cửa, không cách nào liên lạc được với người thân của cô.
Một người dân ở đây kể lại những bức vẽ mà cô gái vẽ nữ ca sĩ rất đẹp, trên đó có dòng chữ “đẹp mãi tuổi 25…”. Theo như chị hàng xóm thì cô gái này đã có triệu chứng trầm cảm từ lâu và được gia đình rất cưng chiều, do là con một.
Câu chuyện của cô gái trẻ khiến tôi day dứt và không khỏi hình dung về sự liên quan của những sự việc đang xảy ra. Nếu không có những bức vẽ và hiện trường để lại thì chắc mọi người cũng chỉ nghĩ cô gái ấy tự tử vì trầm cảm. Nhưng có phải sự việc này càng đáng đau buồn và báo động hơn cho những bạn trẻ chẳng may đang mắc phải chứng trầm cảm, và khi thấy cái chết của một ai đó lan truyền trên mạng, đặc biệt là thần tượng của mình, thì ngay lập tức tìm đến cái chết như một sự giải thoát ?
ĐỪNG ĐÙA VUI VỚI NHỮNG LỜI MIỆT THỊ
Mới đây, tại buổi tọa đàm “ Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội” do Báo Thanh Niên tổ chức, hoa hậu Diễm Hương cũng đã thừa nhận từ sau khi cô đăng quang hoa hậu năm 2010, khi bị những scandal về cá nhân và gia đình thì nhiều người thản nhiên chửi với vô số bình luận bằng ngôn từ nặng nề, vô văn hóa.
“Mình gặp rất nhiều áp lực, stress và phải gặp bác sĩ, bác sĩ sợ mình tự tử vì bản thân Hương và đặc tính công việc khiến mình lúc nào cũng phải cười, không thể hiện sự căng thẳng ra bên ngoài. Hương phải đóng Facebook một thời gian để tránh luồng dư luận và năng lượng xấu” hoa hậu Diễm Hương chia sẻ.
Trên một nhóm của cộng đồng mạng, V.N (Hậu Giang) chia sẻ về câu chuyện từng bị mọi người miệt thị vì ngoại hình không ưa nhìn. Thế là V.N tìm đến phẩu thuật thẩm mỹ nhưng sau đó cũng bị mọi người mang ra làm trò cười. “ Mình có một ước mơ là 2 môi của mình có thể chạm vào nhau. Có một khuân mặt bình thường như bao người khác, để không còn bị soi mói hay kỳ thị nữa “ V.N tâm tư.
Cũng từng bị miệt thị hình thể như V.N, phải thuyết phục nhiều lần thi T.M.N (cựu sinh viên trường ĐH Nông Lâm tp HCM) mới đồng ý kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện đau buồn của mình.
T.M.N kể đã sử dụng tính năng livestream bán hàng trên facebook để bán áo quần online. Vô tình N dẫn vào một nhóm nhiều người và bị đem ra làm trò cười khi vô số người nhảy vào bình luận với những lời nói “chạm đáy nổi đau”
“Lúc đó thân hình mình mập quá mức cho phép, nước da lại đen nữa, thế là những người chẳng hề quen biết nhảy vào chửi bới những câu như “có biết thân biết phận không thế, thua cả thị Nở mà cũng đưa cái mặt chình ình lên đây”, thấy đồ đẹp định mua mà thấy cái mặt của chủ là muốn bỏ chạy”, “thôi về tút lại nhan sắc đi rồi hãy đi bán hàng nhé”… Sau đó mình xóa liền video nhưng đi học bạn bè vẫn biết rồi chọc khiến mình không biết giấy mặt đi đâu”, N buồn bã nhớ lại.
Từ đó N thu mình lại và ít tiếp xúc với mọi người vì ngại về nhan sắc bản thân. Đến bây giờ, mặc dù mọi chuyện đã lắng xuống nhưng N vẫn chưa bao giờ vượt qua được sự tự ti.
“Với mình đó là cú sốc quá lớn và mình bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Thời gian đầu mình xóa facebook và thậm chí không dám đi đâu vì sợ có ai đó nhận ra rồi nhìn mình với ánh mắt này kia” N bày tỏ.
Nguồn: Báo Thanh niên ngày 31/10/2019
TG : N.V
Tin mới
- Hội nghị triển khai kế hoạch năm cuối dự án "Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng” - 21/07/2020
- Công bố đường dây nóng về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em tại Thành phố Đà Nẵng - 29/06/2020
- SÁCH CHO TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN - 17/06/2020
- Hơn 6.000 trẻ em bị xâm hại tình dục trong gần 5 năm - 14/05/2020
- Cần thúc đẩy phát triển nghề Công tác xã hội - 12/05/2020
Các tin khác
- Đón tiếp Đoàn Đại sứ quán Hoa Kỳ đến thăm Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội - 12/05/2020
- Truyền thông kỹ năng “Phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em” - 12/05/2020
- Chương trình ngày hội truyền thông: “Trang bị kỹ năng, kiến thức an toàn trên môi trường mạng cho Đoàn viên thanh niên khối trường THPT” - 12/05/2020
- Tập huấn “ Phụ huynh và cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại các tổ dân phố trên địa bàn phường Hòa Cường Nam về an toàn mạng cho trẻ em” - 12/05/2020
- Tầm quan trọng của hoạt động công tác xã hội với người cao tuổi - 12/05/2020