Can thiệp phòng ngừa

Niềm vui của 'cô giáo' Trâm

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM (25-3-2010 - 25-3-2020)
08:46, 25/03/2020 (GMT+7) - BÁO ĐÀ NẴNG

Thích đi nhiều để có thể làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng - đó là lý do giản đơn để Trần Hoàng Ngọc Trâm (26 tuổi), cán bộ Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm) “bén duyên” với nghề công tác xã hội nhiều năm nay.

Cô Trâm và các em khuyết tật trong một giờ học tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng. 			                        Ảnh: LÊ MẬN
Cô Trâm và các em khuyết tật trong một giờ học tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng. Ảnh: LÊ MẬN

Ngay từ khi còn là sinh viên ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trần Hoàng Ngọc Trâm đã cùng các bạn tổ chức nhóm giúp trẻ tự kỷ với nhiều hoạt động ý nghĩa như: lồng ghép tổ chức triển lãm những câu chuyện về trẻ tự kỷ; tặng hơn 300 vé chiếu phim miễn phí nhân ngày 2-4 (Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ) hằng năm; nâng cao nhận thức của người đồng tính... Kinh phí các hoạt động này đều do các bạn kêu gọi từ nguồn vận động tài trợ.

Trâm còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện tại Trung tâm và được yêu mến bởi vẻ hoạt bát, nhanh nhẹn và nhiệt tình với công việc. “Tôi không nghĩ là mình sẽ được nhận lại cái gì, bao nhiêu; tôi chỉ nghĩ là khi tham gia hoạt động đó, mình sẽ giúp được cho bao nhiêu người, có ích cho cộng đồng như thế nào”, Trâm chia sẻ. Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, Trâm dành thêm nửa năm để tham gia nhiều hoạt động tình nguyện khác rồi mới xin vào làm tại Trung tâm.

Công việc mỗi ngày của Trâm ở Trung tâm là dạy kỹ năng sống cho các bạn có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh, trẻ bị xâm hại... Trâm vẫn còn nhớ như in trường hợp bé M. (9 tuổi) bị xâm hại nhiều lần bởi chính người thân trong gia đình. Nhiệm vụ của Trâm là hỗ trợ bé ổn định tâm lý và các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình. Trâm đã trằn trọc nhiều đêm không ngủ được để suy nghĩ cách làm thế nào để có thể tiếp cận cô bé đang bị tổn thương. Ban đầu, Trâm đã gặp nhiều khó khăn không nhỏ khi M. luôn tỏ vẻ sợ hãi, không muốn tiếp xúc, trò chuyện. Dần dần, những câu chuyện vui nhỏ khiến cô bé dần mở lòng. Trâm tiếp tục lồng vào trong những câu chuyện những kiến thức về việc tự chăm sóc sức khỏe bản thân, sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống. Dần dần, M. đã mạnh dạn hơn, vui vẻ hơn và có thái độ tích cực hơn đối với mọi người xung quanh.

Không chỉ hỗ trợ tư vấn cho các trường hợp bị xâm hại, Trâm còn tham gia phụ trách Câu lạc bộ Sống độc lập thuộc Trung tâm, nơi có khoảng hơn 10 em khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ đang theo học vào mỗi thứ bảy hằng tuần. “Học trò” của Trâm đủ mọi độ tuổi, ít tuổi nhất là khoảng 5-6 tuổi, nhiều nhất là khoảng 23-24 tuổi (tức là chỉ kém “cô giáo” có vài tuổi). Chưa kể đến tuổi tác, mỗi em một dạng tật khác nhau. Những cái tát bất ngờ, những tràng cười liên hồi giữa lớp... là chuyện thường gặp của “cô giáo” Trâm. Trâm cho biết, dẫu vậy, các em cũng khá “dễ thương” nếu biết “dỗ”, biết khen, động viên các em.

Ở nhà, hầu hết các em không phải làm gì và không được làm gì bởi cha mẹ đều cho rằng các em không thể làm được, dù là việc nhỏ nhất. Thế nhưng, thật bất ngờ khi sau một năm học, các học sinh đặc biệt của Trâm đã có thể chiên những lát đậu thật ngon, nhặt rau nấu canh, nấu cơm, quét nhà, thậm chí là rửa chén rất sạch... dù khá chậm. Cả cô và trò cùng chuẩn bị bữa ăn, nhanh nhất phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới xong, nhưng ai cũng rất vui. “Ai mà quét nhà sạch vậy nhỉ?”, “Món này ai làm mà ngon thế?”... Những lời động viên kịp thời của Trâm khiến các cô bé, cậu bé ở đây vui cả ngày và dành nhau làm thật nhiều chỉ để được cô giáo khen.

Trâm bảo, ở Câu lạc bộ Sống độc lập, nhiều trẻ khuyết tật trí tuệ nhưng cơ thể lại phát triển hơn bình thường nên phải luôn theo dõi để hỗ trợ các em. Có lần, M. (21 tuổi, kể với cô về tin nhắn của “bạn trai” (cùng là một em thiểu năng trí tuệ) dành cho em. Sau đó, Trâm đã kịp thời phối hợp với gia đình để tìm hiểu, phối hợp để có những điều chỉnh giúp cô bé hiểu phải hành động sao cho đúng. Lại có trường hợp H. (17 tuổi) bị tăng động nên khi mới vào lớp học, H. thường xuyên quậy phá. Bây giờ, H. đã tiến bộ nhiều, không còn quậy phá mà biết giúp cô nhiều việc như: rửa chén, quét nhà và biết phát biểu ý kiến khi cần...

Mấy ngày nay, do Covid-19 nên lớp học phải tạm nghỉ, cô trò đều buồn lắm. Có bạn còn đòi bố mẹ chở đến lớp cho bằng được chỉ để chào cô rồi lại về nhà. Trâm bảo, gắn bó với những trẻ khuyết tật, cô học được rất nhiều điều, đó là sự kiên nhẫn, tình yêu thương... và thêm yêu hơn nghề mình đã chọn: Nghề Công tác xã hội.

LÊ MẬN - BÁO ĐÀ NẴNG

Thông báo

Liên kết

Lượt truy cập

7330822
Hôm nay
Hôm qua
Tổng
4326
3445
7330822

Forecast Today
8376

Thông tin liên hệ

TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
64 Đống Đa - Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 02362 214.668
Website: ctxhdanang.vn
Giấy phép số: 159/GP-STTTT ngày 28/3/2016 do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cấp
Chịu trách nhiệm Website: Nguyễn Văn Châu

icon zalo
messenger facebook

02362 214.668