Tóm tắt trường hợp:
Trẻ nữ, 15 tuổi, chậm phát triển trí tuệ, tạm trú tại phường X, nghi bị hàng xóm xâm hại tình dục. Gia đình của trẻ có 3 thành viên: gồm mẹ, anh trai và trẻ. Anh trai của trẻ đang làm công nhân tại thành phố Hồ Chí Minh. Trẻ sống với mẹ tại nhà trọ 12 m2 trên địa bàn phường X (có đăng ký tạm trú). Gia đình thuộc diện hộ nghèo, mẹ trẻ đi làm thuê ( rửa bát, giúp việc theo giờ). Trẻ đang theo học tại một trường hòa nhập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Nhu cầu, mong muốn hỗ trợ của trẻ và gia đình: Hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn, đưa kẻ có hành vi phạm tội phải bị xử lý theo quy định của pháp luật
Quá trình hỗ trợ:
B1. TIẾP NHẬN VÀ PHỐI HỢP XỬ LÝ THÔNG TIN.
Sau khi Tổng đài 111 tiếp nhận thông tin về sự việc trên đã liên lạc với UBND phường X và Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng để xử lý, can thiệp và hỗ trợ.
(Nếu gia đình báo sự việc ngay tại thời điểm mới xảy ra sự việc, chuyên viên, cán bộ trẻ em & CTXH, CTV trẻ em: hướng dẫn gia đình và trẻ giữ nguyên bằng chứng- tất cả những gì liên quan như: áo quần,.. không giặc rửa, tẩy xóa. Sau đó trình báo ngay với công an phường)
B2. ĐÁNH GIÁ BAN ĐẦU MỨC ĐỘ TỔN HẠI CỦA TRẺ
Gia đình trình báo ngay sự việc với công an phường X, khi biết sự việc;
Công an phường X phối hợp với công an quận đã: lấy lời khai của trẻ và những người liên quan, ngay lập tức đưa trẻ đến Trung tâm Y tế quận để kiếm tra sức khỏe. Cho trẻ uống thuốc tránh thai khẩn cấp (trường hợp trẻ đã bị kẻ có hành vi xâm hại giao cấu với trẻ và theo yêu cầu của bác sĩ). Đưa trẻ tiến hành giám định pháp y.
(Vì trường hợp trên gia đình thông báo cho Tổng đài 111 sau khi xảy ra vụ việc 1 tháng, vì chưa biết được thông tin nên cán bộ TE, chuyên viên TT CTXH chưa thể phối hợp để đánh giá)
B3. ĐÁNH GIÁ TOÀN DIỆN VẤN ĐỀ VÀ NHU CẦU CỦA TRẺ
Cán bộ trẻ em phường phối hợp với chuyên viên TT CTXH thu thập thông tin, đánh giá các nguy cơ:
Tại trường hợp của trẻ trên: Sau khi đánh giá (theo biểu mẫu nghị định 56 NĐ-CP ) nhận thấy trẻ: (1) có những dấu hiệu gặp các vấn đề về tâm lý như gặp ác mộng thường xuyên, hoảng sợ; (2) gia đình bị đe dọa tinh thần ( nhắn tin, gọi điện đe dọa, chưởi… bởi kẻ nghi có hành vi xâm hại và người thân của kẻ đó; (3) Mẹ của trẻ bị sốc, lo lắng và khủng hoảng tâm lý; (4) Gia đình thuộc diện hộ nghèo, và không có thu nhập vì mẹ của trẻ phải ở nhà để chăm sóc và trông chừng trẻ; (5) Mẹ của trẻ không biết chữ, ít hiểu biết về pháp luật; (6) Trẻ chưa biết cách để bảo vệ bản thân nếu trường hợp tương tự xảy ra.
B4. XÂY DỰNG. PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HỖ TRỢ
UBND phường X, phối hợp với TT CTXH và mẹ của trẻ thống nhất xây dựng kế hoạch hỗ trợ, theo đó, chủ tịch UBND phường X sẽ phê duyệt kế hoạch hỗ trợ.
Kết nối với bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng để khám và điều trị các vấn đề tâm lý cho trẻ; đồng thời kết nối với phòng CTXH tại bệnh viện Tâm thần hỗ trợ các suất ăn trưa miễn phí cho 2 mẹ con của trẻ. Các khoản về chi phí điều trị và thuốc do bảo hiểm chi trả
Tham vấn, tư vấn tâm lý giúp mẹ của trẻ vượt qua khủng hoảng về tâm lý
Kết nối với 01 sinh viên khoa Tâm lý Giáo dục của trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng hỗ trợ vui chơi và trò chuyện cùng trẻ trong thời gian trẻ điều trị nội trú 1 tháng tại bệnh viện Tâm thần. Thời gian hỗ trợ là 2-3 buổi/ tuần giúp mẹ của trẻ có thời gian trong việc đi làm, tạo thu nhập để đảm bảo điều kiện sống cho hai mẹ con
Thúc đẩy gia đình nhờ sự hỗ trợ của công an địa phương về việc mẹ, trẻ bị kẻ có hành vi xâm hại và người thân của kẻ đó có hành vi đe dọa, chưởi mắng
Kết nối với Trung tâm Trợ giúp Pháp Lý, hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của trẻ trong quá trình điều tra và xử lý vụ việc
UBND phường, TT CTXH kết nối các nguồn, dự án hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình: Một phần chi phí tiền trọ, ăn uống tại thời điểm trẻ xảy ra vấn đề và tại thời điểm trẻ được đưa ra Huế giám định pháp y Tâm thần theo yêu cầu của công an quận ( mẹ của trẻ vì chăm sóc cho trẻ nên không thể đi làm, không có thu nhập)
Tư vấn kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi xâm hại.
B5. THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HỖ TRỢ, CAN THIỆP
Trách nhiệm thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trên:
UBND cấp xã/phường: Chỉ đạo, điều phối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp; Ra quyết định chuyển tuyến khi cần thiết; Giám sát tiến độ thực hiện và hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo kế hoạch được thực hiện; Điều phối và vận động nguồn lực.
Cán bộ bảo vệ trẻ em cấp xã/phường: thực hiện công tác điều phối để hoạt động của các ngành có liên quan trong kế hoạch được thực hiện đầy đủ, hiệu quả; làm đầu mối liên lạc thường xuyên với trẻ và gia đình đảm bảo tiến trình cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của trẻ; cung cấp một số dịch vụ cho trẻ và gia đình; kết nối, chuyển gửi khi trẻ và gia đình cần sử dụng dịch vụ ở cấp cao hơn; giám sát tiến trình cung cấp dịch vụ đảm để bảo chất lượng dịch vụ; báo cáo kết quả cho UBND và chia sẻ với các thành viên.
Cán bộ/ chuyên viên Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Đà Nẵng: Hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn. Phối hợp, hỗ trợ trong các hoạt động thu thập thông tin, đánh giá, xây dựng kế hoạch, kết nối, chuyển tuyến, giám sát, thúc đẩy thực hiện trong quá trình can thiệp, hỗ trợ
Cán bộ ngành LĐTB&XH: Hỗ trợ, thực hiện việc triển khai các chính sách trợ giúp cho trẻ và gia đình trẻ; xem xét các nguồn cứu trợ đột xuất cho trẻ và gia đình, hỗ trợ làm các thủ tục liên quan tới nuôi dưỡng tạm thời hoặc nhận con nuôi cho trẻ…
Cán bộ ngành giáo dục: Hỗ trợ trẻ tiếp tục được đến trường, theo dõi tình trạng của trẻ và thông báo kịp thời cho cán bộ BVTE.
Cán bộ y tế: chăm sóc y tế cho trẻ bị bạo hành, xâm hại; thu thập chứng cứ phục vụ cho điều tra các vụ trẻ bị xâm hại, bạo hành; chuyển tuyến trường hợp trẻ em cần giám định hay điều trị y tế ở tuyến cao hơn. Hỗ trợ thăm khám, chữa trị, cung cấp kiến thức liên quan tới chăm sóc sức khỏe cho trẻ, người nuôi dưỡng trẻ;
Cán bộ ngành công an: Điều tra hành vi xâm hại trẻ em; đảm bảo an toàn cho trẻ; theo dõi, giám sát hành vi của kẻ xâm hại và thông báo định kỳ cho cán bộ BVTE cấp xã; hỗ trợ thủ tục giám định cho trẻ bị xâm hại tình dục; Chuyển tuyến cho cơ quan công an cấp cao hơn đối với vụ việc phức tạp.
Cán bộ tư pháp: Hỗ trợ việc xác định chứng cứ liên quan tới hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao năng lực hiểu biết về luật pháp, pháp lý cho trẻ và gia đình khi có nhu cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện, khai báo, ra tòa làm chứng của trẻ và gia đình….
Cán bộ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên: Tham vấn, tư vấn cho trẻ và mẹ
B6. RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Rà soát, đánh giá được thực hiện để xem xét kết quả can thiệp, tác động của can thiệp đến trẻ em và gia đình như thế nào, có đáp ứng được các nhu cầu và giải quyết các vấn đề của trẻ em hay không. Dựa vào kết quả đánh giá, cán bộ sẽ xem xét lại kế hoạch và mục tiêu để so sánh với kết quả đã đạt được trên thực tế để có các quyết định hỗ trợ, can thiệp tiếp theo. Khi thực hiện bước đánh giá, cán bộ cần xác định phương pháp đánh giá nào là hiệu quả, các nội dung đánh giá là gì và sau cùng phải đưa ra được các kết luận cũng như có hành động tiếp theo một cách phù hợp.
***Lưu ý: Các biểu mẫu thu thập thông tin, đánh giá, xây dựng kế hoạch và rà soát thực hiện kế hoạch thực hiện theo các biểu mẫu của Nghị định 56 NĐ-CP