Thực hiện thí điểm mô hình cơ sở phòng, trị liệu rối nhiễu tâm trí theo định hướng Đề án 1215 của Chính Phủ. Năm 2015, Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội đã khảo sát, đánh giá nhu cầu của các gia đình có trẻ chậm phát triển trí tuệ để tìm hiểu nhu cầu cần sử dụng các dịch vụ công tác xã hội của các nhóm đối tượng này. Qua đó đã đề xuất sáng kiến mô hình Sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để trợ giúp trẻ có khó khăn về trí tuệ hòa nhập cộng đồng, cũng như các dịch vụ hỗ trợ khác cho người chăm sóc, phụ huynh ... những chủ thể có tác động tích cực hiệu quả cho quá trình phục hồi, hòa nhập cộng đồng của trẻ.
1. Mục đích
- Tạo cơ hội cho nhiều trẻ chậm phát triển trí tuệ, sau khi kết thúc các lớp học tại trường chuyên biệt có cơ hội phát triển năng lực của bản thân, có những kỹ năng nghề và kỹ năng sống cần thiết để hòa nhập cộng đồng.
- Huy động sự tham gia của gia đình, góp phần giảm tải cho ngân sách đầu tư trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ khuyết tật.
2. Đối tượng hưởng lợi
- Trẻ chậm phát triển trí tuệ
- Phụ huynh trẻ chậm phát triển trí tuệ
3. Một số hoạt động
- Hỗ trợ việc tập huấn, nâng cao năng lực cho các gia đình trong việc hướng dẫn các kỹ năng cho trẻ khuyết tật tại chính gia đình của mình, đồng thời Trung tâm CTXH sẽ hướng dẫn, giám sát mô hình thực hiện tại các gia đình;
- Trang bị các kỹ năng cho trẻ, cụ thể:
+ Các em được hướng dẫn kỹ năng xâu hạt, làm hoa, xé dán tranh, tô màu, làm sản phẩm handmade…;
+ Hướng dẫn các em nấu ăn theo thực đơn hàng ngày;
+ Sinh hoạt văn nghệ, hát, múa, nhảy ...;
- Trang bị cho trẻ những kiến thức kỹ năng tự bảo vệ phòng tránh bạo lực xâm hại, giáo dục kiến thức về giới tính, kỹ năng giao tiếp...;
- Huy động, kết nối các tổ chức cá nhân mua sản phẩm của các em, tạo thu nhập để duy trì, phát triển mô hình và đồng thời cải thiện thu nhập cho bản thân trẻ có khả năng.