Cuộc đời mỗi người là một phần của bức tranh cuộc sống. Trong đó mỗi bước đi – mỗi bước trải nghiệm là một nét vẽ trong nó. Những tâm hồn, những suy nghĩ, những tính cách khác nhau sẽ cho ra một góc khác nhau của tác phẩm. Một tập hợp của đa số người sẽ chiếm những gam màu sáng nhất, tươi nhất và tạo ra những nét cơ bản nhất của bức tranh, nhưng bên cạnh đó lại có những gam màu xám, tối và những nét vẽ thô hơn của một số ít người. Tại sao lại có sự khác biệt đó? Đó là do tạo hoá đã tạo ra cho mỗi con người những nét riêng, đăc trưng không giống nhau. Theo đó những màu sắc sáng tươi là của những ai may mắn được ban tặng một cơ thể hoàn thiện cả về thể xác và tâm hồn, và số ít đó là của những người kém may mắn hơn vì họ khiếm khuyết hay tổn thương về một phần nào đó của cơ thể, cả về thể xác và tâm hồn. Như vậy khi ngắm bức tranh đó ta không nên chỉ quan tâm đến sự đẹp đẽ của nó mà cần phải đặc biệt chú ý đến những góc khuất của bức tranh, góc của những con người yếu thế trong cuộc sống. Họ đã sống, đã tồn tại xung quanh chúng ta, nhưng có lúc nào đó bạn thưc sự quan tâm sẻ chia với họ? Một trong số những góc khuất đó chính là những đứa trẻ tự kỷ - những con người tự kỷ.
Theo các nhà khoa học thì tự kỷ là “một loại khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào trong xã hội và biểu hiện ra bên ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích, hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại”.
Biểu hiện ở trẻ tự kỷ là mắc các khiếm khuyết về giao tiếp như không giao tiếp bằng mắt, không có giao tiếp bằng cử chỉ cơ thể, không chia sẻ các cảm xúc buồn, vui…Trẻ nói không rõ tiếng hoặc chỉ nói được vài từ, không biết cách biểu đạt nguyện vọng bằng ngôn ngữ…Trong cách chơi trẻ thường chơi theo một mô – tip đơn giản, nhất định, lặp đi lặp lại, tự chơi một mình. Nguyên nhân gây ra hội chứng này vẫn chưa xác định rõ ràng, có chăng chỉ là những yếu tố liên quan đến bệnh: sự biến đổi gen, bệnh lý trước sinh, trong sinh, tuổi mang thai của bố mẹ, nhiễm độc thức ăn và không khí,... Điều này gây khó khăn cho việc phòng ngừa, ngăn chặn và đưa ra các phát đồ điều trị có hiệu quả. Vì thế, việc can thiệp và điều trị sớm là hết sức quan trọng. Trong khi đó ở Việt Nam do nguồn thông tin về hội chứng này còn khá hiếm hoi và nhận thức của một số phụ huynh về vấn đề này còn chưa cao khiến nhiều trường hợp trẻ tự kỷ không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời làm cho trẻ khó có khả năng hòa nhập cộng đồng hơn.
Hoạt động can thiệp, phục hồi cho trẻ tại Trung tâm CTXH ĐN
Quá trình điều trị cho con em mắc hội chứng Tự kỷ quả là một vấn đề gian nan đối với các bậc phụ huynh. Nhiều người cảm thấy tự ti, mặc cảm, ngại nói chuyện với mọi người về tình trạng của con em mình. Vậy nên cần tạo điều kiện cho họ tham gia vào các tổ chức hoặc nhóm gia đình trẻ tự kỷ, để giúp họ có thêm kỹ năng, kinh nghiệm, cũng như kiến thức để hỗ trợ cho sự hoà nhập cộng đồng của con em mình. Mỗi người trong chúng ta cần sẻ chia cho nhau những tấm chân tình, những trái tim nồng ấm. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những đứa trẻ tự kỷ, những gia đình có con mắc hội chứng này. Để hiểu được họ trước tiên ta cần đặt mình vào trong chính hoàn cảnh của họ để chiêm nghiệm, trải nghiệm và cảm nhận, để mỗi chúng ta hiểu được một đứa trẻ tự kỷ là cả một quá trình.
Mô hình phòng can thiệp, trị liệu cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm CTXH ĐN
Ngay bây giờ mỗi người chúng ta hãy hành động vì những đứa trẻ đáng yêu kia. Đừng tách biệt chúng ra khỏi cộng đồng, mỗi người có thể làm một vòng tay một cầu nối đưa những đứa trẻ tự kỷ hoà nhập vào xã hội tràn ngập màu sắc. Hãy dành cho chúng một một tình thương vô hạn định. Đó là tất cả những gì họ cần ở xã hội, ở cộng đồng. Mỗi người chỉ cần mở rộng vòng tay mình ra là đã có thể kết nối triệu trái tim – triệu tâm hồn – triệu tấm lòng lại với nhau. Những đứa trẻ tự kỷ - những con người tự kỷ đang cần lắm những vòng tay từ chúng ta và từ những trái tim chân thành.
Ảnh, bài: BI.
Tin mới
- Hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân lao/lao kháng thuốc - 24/12/2021
- Ông bà ngoại chật vật nhặt ve chai hy vọng tương lai tươi sáng cho các cháu - 07/07/2021
- Cháu Nguyễn Hoàng Kim Quyên - thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. - 25/05/2021
- Cháu Trần Kiều Linh - Hòa Vang, Đà Nẵng - 24/07/2020
- Hỗ trợ học bổng học nghề ngắn hạn cho thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng năm 2019 - 12/05/2020